Theo đó, ngày 05/3/2023, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 08/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung và ngưng hiệu lực thi hành một số điều tại các Nghị định quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế.
Việc ban hành Nghị định 08/2023/NĐ-CP nhằm góp phần giải quyết vấn đề khó khăn trước mắt về thanh khoản, góp phần tạo điều kiện cho doanh nghiệp cân đối nguồn tiền phục vụ sản xuất kinh doanh và thanh toán nghĩa vụ trái phiếu đến hạn, đồng thời đảm bảo quyền lợi của chủ sở hữu trái phiếu và tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật.
Những chính sách mới có hiệu lực như đòn bẩy giúp thị trường chứng khoán có những bước hồi phục. Nhiều mã cổ phiếu bất động sản tăng trở lại. Trong đó có thể kể đến cổ phiếu Địa ốc Nova. Novaland (mã chứng khoán: NVL) đã trở thành điểm sáng trên sàn giao dịch TP HCM - HoSE khi thanh khoản đạt con số đáng kinh ngạc 632 tỷ đồng, cao nhất trong bốn tháng qua. Cổ phiếu của Novaland liên tục phát tín hiệu tích cực từ quá trình tái cơ cấu. Trong phiên giao dịch ngày 6/4, đã có lúc cổ phiếu NVL chạm trần ở mức 13.700 đồng và duy trì trong thời gian dài. Tuy nhiên, đến thời điểm chốt phiên, giá cổ phiếu này giảm nhẹ xuống 13.250 đồng (tăng 3,1%). Tổng khối lượng khớp lệnh hôm nay đạt hơn 47 triệu cổ phiếu, đứng đầu trên sàn HoSE.
Việc cổ phiếu NVL liên tục có những tín hiệu tích cực đến từ những thông tin tái cơ cấu của Novaland. NovaGroup, cổ đông lớn của NVL bán khoảng 100 triệu cổ phiếu để bổ sung nguồn vốn cho hoạt động kinh doanh của công ty, bên cạnh đó, thông tin về việc một số lô trái phiếu của Novaland được gia hạn cũng là những thông tin tốt để nhà đầu tư “xuống tiền” đầu tư cổ phiếu NVL.
Theo thông tin chúng tôi có được, Tổng tài sản của Novaland tính đến 31/12/2022 đạt 257.365 tỷ đồng tăng 27,5% so với năm 2021. Trong đó chủ yếu đến từ tài sản ngắn hạn với 198.276,2 tỷ đồng. Tuy nhiên, nợ phải trả cũng tăng mạnh từ 160.660,4 tỷ đồng lên 212.435,7 tỷ đồng, tăng 32,2%. Trong đó, nợ ngắn hạn là 74.420,7 tỷ đồng và nợ dài hạn là 138.015 tỷ đồng.
Trong năm 2022, Novaland ghi nhận doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ ở mức 11.151,7 tỷ đồng, giảm 25,5% so với năm 2021. Điều này khiến cho lợi nhuận gộp về bán hàng và cung cấp dịch vụ của công ty giảm 29,1% so với cùng kỳ. Bên cạnh đó, Chi phí lãi vay tăng, thu nhập khác giảm khiến cho lợi nhuận trước thuế của Novaland cũng giảm xuống mức 4.113,8 tỷ đồng, giảm 19,1% so với năm 2021. Ngoài ra, lưu chuyển tiền thuần trong năm 2022 của công ty đã giảm mạnh, lên đến con số âm 8.649 tỷ đồng.
Báo cáo tài chính quý IV/2022 của Novaland cũng thể hiện, dư nợ trái phiếu ngắn hạn của công ty đang ở mức 18.445 tỷ đồng, nợ trái phiếu dài hạn là 25.725 tỷ đồng. Trong thời gian qua, Novaland đã phải liên tục “xin khất nợ” trái phiếu do khó khăn về dòng tiền. Tính đến cuối năm 2022, tiền mặt của Novaland chỉ chưa đến 3 tỷ đồng, tiền gửi ngân hàng là 2.992 tỷ đồng và các khoản tương đương tiền (Các khoản tiền gửi ngân hàng ngắn hạn) là 5.604 tỷ đồng.
Dù vay nợ cao, trong năm 2022, Novaland vẫn chi 19.852,2 tỷ đồng đặt cọc mua cổ phần, nhận chuyển nhượng vốn góp. Điều này cho thấy công ty vẫn đang cố gắng để duy trì hoạt động và tìm kiếm cơ hội để phục hồi tình hình tài chính.
Để phát hành trái phiếu, ông Bùi Thành Nhơn, bà Cao Thị Ngọc Sương và Công ty Nova Group đã dùng cổ phiếu NVL thế chấp Ngân hàng PVCombank. Tuy nhiên, hiện nay thị giá cổ phiếu NVL giao dịch ở ngưỡng 13.000 đồng/cp, thấp hơn rất nhiều so với thời điểm thế chấp cổ phiếu NVL có giá hơn 81.000 đồng/cp, tổng trị giá 3.000 tỷ đồng. Nếu doanh nghiệp không thể trả nợ, ngân hàng sẽ phải bán đấu giá khối cổ phiếu trên để thu hồi nợ. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là nhà đầu tư nào sẵn sàng bỏ ra 81.000 đồng để mua lại cổ phiếu có mệnh giá thấp? Điều này liệu có gây ra nhiều tiềm ẩn rủi ro?, ngân hàng có phải yêu cầu Novaland thế chấp thêm tài sản để đảm bảo cho các khoản vay? Và nếu vậy Novaland sẽ lấy thêm tài sản ở đâu để thế chấp cho khoản vay trên, khi mà trong những năm qua, Novaland đã chi hàng chục nghìn tỷ đồng để mua lại các công ty, nhóm công ty. Để rồi, Novaland dùng cổ phần sở hữu tại các công ty, dùng các dự án để thế chấp ngân hàng.
Đáng chú ý, các công ty, nhóm công ty mà Novaland mua lại đều có mối liên hệ mật thiết với gia đình ông Bùi Thành Nhơn. Việc này liệu có minh bạch và công bằng trong hoạt động kinh doanh của công ty?