Trong nhiều năm qua, TAND TP.HCM là đơn vị có số vụ việc giải quyết nhiều nhất nước, mỗi năm trung bình thụ lý trên 20.000 vụ án. Số lượng vụ việc phải tống đạt theo phương thức trực tiếp, tống đạt qua người thứ ba, hoặc niêm yết, ủy thác tư pháp, thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng mất nhiều thời gian, công sức, tiền bạc. Hằng năm, khoản chi phí này ở các Tòa đều cao hơn ngân sách được cấp.
TP.HCM là một trong những thành phố có kinh tế năng động, phát triển nhất cả nước, các doanh nghiệp có trụ sở, văn phòng đại diện của Công ty nước ngoài, đơn vị hành chính sự nghiệp và phần lớn công dân tại TP.HCM sử dụng các giao dịch điện tử như hộp thư điện tử, ứng dụng điện tử như Zalo, Viber để liên lạc, thông tin.
Do đó, nếu áp dụng hình thức tống đạt, thông báo văn bản tố tụng qua phương tiện điện tử thì sẽ giảm thời gian, công chức cho cán bộ, công chức TAND TP.HCM cũng như cá nhân, cơ quan, tổ chức liên hệ công tác, làm việc với đơn vị và tiết kiệm được ngân sách nhà nước rất lớn.
Ông Lê Thanh Phong - Chánh án TAND TP.HCM cho biết, xuất phát từ thực tiễn và nhu cầu khách quan về việc tống đạt cho các đương sự trong quá trình tham gia các vụ án, ban cán sự TAND TP.HCM xét thấy cần phương thức tống đạt mới thay thế phương thức cũ trong tình hình thiếu hụt nhân sự, thư ký tòa án. Ông Phong bày tỏ mong muốn nhận được sự hợp tác của người dân trong quá trình thực hiện.
Bà Nguyễn Thị Thuỳ Dung – Phó Chánh án TAND TP.HCM cho biết, qua số liệu tổng hợp từ phần mềm tống đạt điện tử, từ ngày 01/6/2023 đến ngày 24/7/2023, TAND TP.HCM đã thực hiện được 162 lần gửi, tống đạt các văn bản tố tụng bằng phương thức này. Hầu hết các trường hợp đương sự đều nhận được văn bản và có phản hồi tích cực về phương thức tống đạt mới.
Được sự chấp thuận của TAND tối cao, TAND TP.HCM đã xây dựng được đề án tống đạt điện tử từ năm 2021, dựa trên kết quả thực hiện trong thời gian qua, TAND TP.HCM sẽ chính thức triển khai vận hành việc tống đạt qua phương tiện điện tử từ ngày 01/8/2023.