Chương trình tình nguyện “Xuân Biên Giới 2025” là một hoạt động ý nghĩa do Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh Trường Đại học Luật Hà Nội phối hợp với Hội Sinh viên Trường Đại học Luật Hà Nội chỉ đạo Liên chi Đoàn Luật Chất lượng Cao tổ chức, nhằm chia sẻ những khó khăn và thiếu thốn, đồng thời động viên tinh thần người dân vùng cao, đặc biệt là ở những khu vực khó khăn, vùng sâu vùng xa.
Trong khuôn khổ chương trình, Ban tổ chức đã tổ chức chuyến đi tình nguyện tại các tỉnh miền núi phía Bắc, mang theo hơi ấm mùa xuân, những món quà thiết thực và nhiều hoạt động ý nghĩa tới với đồng bào vùng cao. Chuyến hành trình kéo dài nhiều ngày đã khởi đầu với những dấu ấn khó quên tại tỉnh Hà Giang và huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng.
Chương trình có sự tham dự của PGS.TS Nguyễn Bá Bình - Phó Hiệu trưởng, ThS. Nguyễn Sơn Tùng - Trưởng phòng Công tác sinh viên, ThS. Trần Trọng Đại - Bí thư Đoàn Trường, cùng các uỷ viên Ban Chấp hành Đoàn trường.
Đón tiếp Đoàn có sự tham gia của ông Lã Hoài Nam (Bí thư Huyện uỷ), bà Hứa Thị Thu (Phó bí thư thường trực Huyện uỷ), ông Hoàng Văn Cương (Phó chủ tịch UBND Huyện), bà Hoàng Thị Đà (Phó chủ tịch UBND Huyện) cùng nhiều lãnh đạo huyện đoàn Bảo Lạc, Đảng uỷ, UBND, HĐND xã Sơn Lộ và đông đảo bà con nhân dân.
Điểm xuất phát từ mảnh đất địa đầu Tổ quốc
Chuyến xe yêu thương bắt đầu từ cột mốc 0km Hà Giang – điểm khởi đầu mang tính biểu tượng, đánh dấu hành trình “gom nắng lên non” của các tình nguyện viên. Nơi đây không chỉ gây ấn tượng bởi khí hậu se lạnh đặc trưng và khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ, mà còn khơi dậy trong mỗi thành viên tinh thần chinh phục và khám phá.
Tiếp nối hành trình, đoàn dừng chân tại Di tích lịch sử Căng Bắc Mê – nơi từng là nhà tù do thực dân Pháp xây dựng để giam giữ các chiến sĩ cách mạng.
Qua phần thuyết minh đầy xúc động của hướng dẫn viên, các tình nguyện viên đã hiểu rõ hơn về những hy sinh to lớn của thế hệ đi trước, từ đó thêm trân trọng những giá trị lịch sử và hun đúc thêm tinh thần trách nhiệm với cộng đồng, với đất nước.
Trong ngày thứ hai, đoàn đã có mặt tại huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng để thực hiện chuỗi hoạt động thiện nguyện. Mặc dù gặp không ít khó khăn về thời tiết và giao thông, nhưng với sự phối hợp chặt chẽ và tinh thần quyết tâm cao, các hoạt động của chương trình vẫn được triển khai hiệu quả, mang lại những giá trị thiết thực cho cộng đồng.
Mở đầu ngày mới là lễ khánh thành công trình thanh niên “Cầu dân sinh Nà Pa” trị giá 152 triệu đồng – cây cầu nhỏ nhưng mang ý nghĩa to lớn, góp phần cải thiện điều kiện đi lại, học tập và lao động của bà con địa phương, đặc biệt trong mùa mưa bão. Đây là công trình tâm huyết được Ban Tổ chức chuẩn bị từ những ngày đầu tiên lên kế hoạch cho chương trình.
Buổi trưa, đoàn đã trao hơn 100 phần quà tới các hộ dân và học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Mỗi phần quà gồm nhu yếu phẩm, lương thực, chăn ấm, sách vở và đồ dùng học tập – là tấm lòng sẻ chia của các nhà tài trợ, tình nguyện viên và sinh viên Luật gửi gắm đến đồng bào nơi biên giới, với hy vọng mang lại một mùa xuân ấm áp và đủ đầy hơn.
Buổi chiều, hoạt động tuyên truyền pháp luật đã được tổ chức với hình thức trực quan, sinh động như tiểu phẩm, hỏi – đáp, phát tài liệu. Các nội dung tập trung vào những chủ đề gần gũi như hôn nhân – gia đình, quyền trẻ em, phòng chống bạo lực,... đã thu hút sự quan tâm, hưởng ứng tích cực từ người dân. Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức pháp luật và ý thức chấp hành pháp luật trong cộng đồng dân cư.
Gắn kết và lan tỏa
Khép lại ngày thứ hai, mỗi thành viên trong đoàn đều mang theo niềm vui và sự tự hào khi đã đóng góp một phần nhỏ vào hành trình sẻ chia yêu thương, truyền cảm hứng và lan tỏa những giá trị tích cực. Xuân Biên Giới 2025 không chỉ là hành trình mang những món quà vật chất, mà còn mang theo cả hy vọng, kiến thức và sự gắn bó giữa con người với con người.
Hành trình đến hồi kết, nhưng sự yêu thương vẫn còn đó, vẫn tiếp tục - và những kết nối được tạo dựng chính là dấu ấn đậm nét nhất mà Xuân Biên Giới 2025 để lại.